Nghệ nhân nấu ăn, cây cảnh Tôn Nữ Thị Hà

"Sự cỗi cằn thường sinh ra thế cây đẹp" Chị nhắc tôi đừng viết sót chữ "Thị" trong cái tên thoáng vẻ cung đình của chị: Tôn Nữ Thị Hà. Dễ hiểu: Chữ "Thị" đó - cái biểu hiện của nữ tính đó, ở người - đàn - bà - khéo này là phép cộng của liền lúc mấy dấu hoa tay: Nấu ăn, trồng cây cảnh...

Và cái địa chỉ để tìm chị ở Huế bây chừ cũng thật đẹp: "Tịnh Gia Viên" - khu vườn nhà yên tĩnh.
 Song thực ra, đó lại là một khu vườn rất khó yên tĩnh, khi nó đã gần như trở thành một địa chỉ du lịch khá nổi tiếng ở Huế. Và sau nữa, nó còn là một nhà hàng, đủ năng lực tổ chức những bữa đại tiệc mang phong vị cung đình.

       Cây lâu năm, người mãi trẻ
        Sự yên tĩnh, có chăng, là vào những lúc sáng sớm hay khuya khoắt, khi nữ chủ nhân chậm rãi lại qua giữa những chậu cây cảnh quý của mình. Với kia là cây mai thế trực, có tuổi thọ 80 năm; nọ là cây mai "long giáng", tuổi ước chừng trên cả 150 năm... Ít tuổi hơn (70 tuổi) nhưng lại cho nhiều hoa nhất với cánh to nhất lại phải là cây mai "long thăng" - từng giành giải Nhất trong cuộc thi "Mai Huế" xuân 2002. Còn một cây mai cần kể đến nữa trong bộ mai quý ở vườn này: Đó là cây mai đậu thế "bạc phong hồi đầu", từng có lúc được khách chơi cây dạm trả tới mấy lượng vàng. Rồi đến bộ 2 cây vạn tuế, cũng đã đều ngót nghét 150 năm tuổi... "Mấy cây kia thuộc chủng loại quý, được chăm chút từ nhỏ đã đành - chủ nhân nói. Nhưng có những cây không thuộc chủng loại quý, đời cây không được "trải thảm" từ đầu, vậy mà vẫn ra được thế đẹp chả kém gì ai - đó theo mình mới là những cây đáng quý nhất". Nói đoạn, chị Hà dẫn tôi đi xem mấy cây thuộc bộ "con nhà nghèo" nhưng vẫn thừa sức ăn đứt cánh "mình vàng lá ngọc" về thế như: Cây khế 80 năm tuổi; cây mức 20 năm... Chị Hà kể: Trong đời chơi cây cảnh của chị, có hai may mắn lớn. Đó là cách đây 7 năm, chị được người ta mách cho một cây me có đến 150 tuổi ở Bình Định, mà cái thế tuyệt đẹp của nó là nhờ một... vết thương do chiến tranh ngẫu nhiên để lại. Đầu năm nay thì lại tình cờ tìm thấy được một cây khế lâu năm nằm ẩn mình trong một khu vườn hoang ở Huế. Sự ghẻ lạnh của thời gian và cuộc đời vô hình trung lại tạo cho cây một cái thế độc đáo hơn người...

        Tiệc yến giữa vườn nhà
        Chị Hà nói tôi hay: Kiên trì là đức tính quan trọng nhất ở một người chơi cây cảnh (từ lúc lặn lội lên rừng, đi tỉnh, nhìn thân đoán rễ, lựa cây, đào cây hay mua cây, tới lúc bứng rễ, xóc phân, đảo chậu, uốn cành, tỉa ngọn,...) Với người Huế thì lợi thế ở đây chính là tính chi tiết, cẩn thận; là quan niệm "quý hồ tinh bất quý hồ đa". Chính vậy mà có những cây như cây lộc vừng, vợ chồng chị phải bàn bạc nhau mất,... gần 10 năm trời mới thống nhất được cái thế cây cần tạo; có cây vợ liều lĩnh tự ý cắt tỉa, về bị chồng giận mất mấy tháng trời,... Chị Hà bảo: Trước, tính chị nóng, không "mềm" được như chồng, nên nét cắt nét tỉa của chị đôi khi không được "có hậu" bằng chồng, dễ "làm đau" cây. Giờ thì đã khác. "Chơi cây cảnh có lẽ là một cách tốt nhất có thể giúp mình sống điềm tĩnh hơn chăng - người chơi cây triết lý - Bởi còn gì có thể khổ sở hơn, chờ đợi hơn chơi cây cảnh?".

        Điều đó có lẽ đúng đối với đời chị Hà. Vì theo như chị kể, thì để theo được thú chơi này, chị đã từng phải trải qua không dưới,... 16 nghề với đủ bề khổ cực. Sinh năm 1943, chị từng có 35 năm phục vụ trong ngành y ở các vị trí: Huấn luyện viên Trường Cán sự y tế, Trưởng khoa Dinh dưỡng - Bệnh viện TƯ Huế (có thời gian gần 2 năm còn làm y tá trưởng tại BV Sản phụ Bátđa (Irắc); thời Pháp thuộc từng được trao Y tế Bội tinh đệ nhị hạng và mới đây lại vừa được nhận Huy chương "Vì sự nghiệp ngành y",... Cũng chính mảng chuyên môn sâu về tiết chế dinh dưỡng này đã đưa Tôn Nữ Thị Hà - người cháu ruột của GS Tôn Thất Tùng đến với nghề nấu ăn như một sở trường sẵn có. Tiếng tăm về tài nghệ chế biến các món ăn cung đình của chị đã giúp chị nhận được những lời mời làm người dạy nấu ăn hay giám khảo các cuộc thi nấu ăn quốc tế tại hơn 10 nước Châu Âu,... Du khách tới Huế lúc này, muốn được ngồi thưởng thức một buổi "dạ tiệc cung đình" tại Tịnh Gia Viên, giữa khung cảnh điền viên êm ả với sự góp mặt của hơn 150 loại cây cảnh khác nhau (trong đó có gần 30 giống lan và chưa kể 165 giống xương rồng) vì vậy thường phải đặt chỗ trước cả tuần, thậm chí cả tháng.

        Tôi nhắc Tôn Nữ Thị Hà về dòng dõi vua chúa trong cái tên của chị nhưng chị gạt đi: "Tiếng vậy, nhưng chính khổ sở mới làm ra con người mình. Cũng như cái cây cảnh thôi: Phải ngúc ngắc, khúc khuỷu, cằn cỗi một chút, mới dễ ra được cái thế đẹp vậy!".